Sau thời Liêu Thái Tông Gia_Luật_Lý_Hồ

Thái Tông xưng là hoàng đế Trung Nguyên, tức vua của cả người Hán và người Khiết Đan, song do phải đương đầu với nhiều cuộc nổi dậy nên đành quyết định lui về đất Liêu, song mất trên đường tại Hằng Châu.[10] Do khi xưa Thuật Luật Bình giết nhiều tù trưởng và chư tướng để tùy táng cùng Thái Tổ, nhiều tướng lĩnh Khiết Đan sợ rằng bà sẽ lặp lại hành động này;[11] Do đó họ ủng hộ con của Gia Luật Bội là Vĩnh Khang vương Gia Luật Nguyễn làm hoàng đế.[10] Gia Luật Nguyễn chế ngự được tướng người Hán là Triệu Diên Thọ và quản lý Hằng Châu, sau đó xưng là hoàng đế, tức Liêu Thế Tông.[11]

Biết rằng Thái hậu muốn để Gia Luật Lý Hồ kế vị, Thế Tông tiến về phía bắc. Thái hậu sai Lý Hồ đem binh đi đánh Thế Tông, song Gia Luật Lý Hồ chiến bại trước Gia Luật An Đoan (耶律安端, em của Liêu Thái Tổ) và Gia Luật Lưu Ca tại Thái Đức Tuyền. Nghe theo lời của Gia Luật Ốc Chất, Thuật Luật Bình nói với Gia Luật Lý hồ rằng không phải bà không muốn lập ông mà do tự ông bất tài, rồi bàn thảo chấp thuận Liêu Thế Tông làm hoàng đế.[1] Thế Tông sau đó giam lỏng Thái hậu Thuật Luật Bình tại mộ của Thái Tổ,[11] và giam lỏng Gia Luật Lý Hồ tại Tổ Châu[c 2].[1]

Đến thời Liêu Mục Tông, ngày 1 tháng 11 năm 960 (ngày Bính Tý tháng 10 năm Canh Thân)[12], con của Gia Luật Lý Hồ là Gia Luật Hi Ẩn (耶律喜隱) mưu phản nên cả Hi Ẩn và Lý Hồ đều bị bắt giam. Gia Luật Lý Hồ mất trong ngục, thọ 50 tuổi, an táng ở núi Ngọc Phong. Đến thời niên hiệu Thống Hòa (983-1012) triều Liêu Thánh Tông, Lý Hồ được truy thụy hiệu Khâm Thuận hoàng đế; đến năm 1052 thời Liêu Hưng Tông, ông được đổi tự thành Chương Tú, sau gọi là Hòa Kính. Ngoài Hi Ẩn, ông còn có con là Gia Luật Uyển.[1]